Hành trình 20 năm 'săn' tiền cổ

45 tuổi đời, anh Nguyễn Văn Thạo ở phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) đã có thâm niên 20 năm trong nghề “săn” tiền cổ. Anh đang sở hữu hàng trăm loại tiền thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam.

 
Hành trình 20 năm săn tiền cổ
Bước vào căn nhà của anh, chúng tôi hoa hết cả mắt bởi số lượng tiền cổ mà anh Thạo đã dày công sưu tập được. “Đây là khu trưng bày tiền thời Lê, còn đây là loại tiền của thời Nguyễn...", anh Thạo vừa chỉ cho khách xem từng loại tiền vừa nói rõ về nguồn gốc, đặc điểm của chúng. Từng hũ tiền được anh bày đặt  khá tươm tất theo các niên đại. Đầu tiên là thời Đinh, tiếp sau đó là thời Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, hậu Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, và cuối cùng là thời Nguyễn. Không chỉ có thế, trong bộ sưu tập tiền của anh còn có khá nhiều tiền giấy (tiền Đông Dương) từ những năm 1858 khi người Pháp đánh chiếm nước ta và những đồng tiền ngày nay. Tuy nhiên theo gia chủ, để có được bộ sưu tập tương đối đầy đủ này, anh đã phải trải qua một hành trình dài tìm hiểu, lặn lội tìm kiếm.

Anh Thạo và bộ tiền cổ Đông Dương.
Sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, một miền quê vốn đã nổi tiếng với các di chỉ về khảo cổ, ngay từ nhỏ, thú sưu tầm đã ngấm vào cậu bé Thạo lúc nào chẳng hay. Học lên lớp 5, Nguyễn Văn Thạo đã có một bộ sưu tập tương đối lớn về các loại bút. Cũng chính vì thế, cái danh “Thạo cổ vật” đã được bạn bè đặt cho khi anh vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lớn lên một chút, chàng trai Thạo lại có thú sưu tầm tem thư và phong bì. Cứ như thế, niềm đam mê sưu tầm ngày càng ngấm vào máu của anh hơn, rồi trở thành duyên nợ cho đến tận bây giờ.
Năm 1987, Nguyễn Văn Thạo xin vào làm tại công ty Xây dựng thủy lợi 1, với công việc lái máy xúc, máy cẩu. Một lần khi đang làm việc tại công trường, trong lúc đào bới, anh vô tình xúc được 1 hũ tiền nhưng tất cả đã rỉ sét dính chặt lại với nhau thành một khối. Lúc đầu, anh  định đem đi bán đồng nát nhưng sau 1 phút suy nghĩ, anh quyết định giữ lại với suy nghĩ biết đâu hũ tiền cổ đó có thể sử dụng được.
Cũng một lần đi bán phế liệu, anh lại nhìn thấy những hũ tiền cổ được những người thu mua đồng nát đập ra để bán làm sắt phế liệu. Anh đã mạnh dạn hỏi mua mặc cho những lời can ngăn của bạn bè và người thân. “Lúc đó tôi cứ thấy tiếc bởi hàng 100 kg tiền cổ mà người ta bán làm săt phế liệu nên mới mua, chứ thực sự chưa biết rõ giá trị của nó như thế nào”, anh Thạo tâm sự.
Có được một số lượng tương đối về tiền cổ rồi, nhưng làm thế nào có thể phân biệt được niên đại mà đồng tiền đó được lưu hành, quả thực là một quá trình gian nan. Từ một người không biết gì về tiếng Hán, nay phải đối mặt với những con chữ “loằng ngoằng” in trên những đồng tiền rỉ sét khiến anh không khỏi bận tâm. 10 năm trời dùi mài chữ Hán, cũng bằng đấy năm trời anh tỉ mẩn tìm đọc các tài liệu có liên quan đến tiền cổ với hy vọng khám phá được những bí ẩn mà bấy lâu nay mong đợi. Bằng lòng đam mê và quyết tâm đó đã giúp anh dần giải mã được những bí ẩn đã bị chôn vùi hàng ngàn năm dưới lòng đất. Anh chia sẻ “chính việc tìm hiểu này đã thôi thúc tôi nhiều hơn. Những đồng tiền cổ này không chỉ có giá trị về kinh tế nữa mà nó còn chứa đựng cả yếu tố chính trị, văn hóa, tâm linh của từng thời kỳ”.
Ngoài ra, anh Thạo còn có một bộ sưu tập tương đối đồ sộ về các loại tem phiếu thời kỳ bao cấp như các loại phiếu gạo, phiếu thịt, phiếu chăm sóc bà đẻ, phiếu dầu…. Tất cả được anh gìn giữ rất cẩn thận, bởi anh bảo đây chính là những kỉ vật còn quý hơn cả vàng và rất đáng trân trọng.

Những đồng tiền xu thuộc các niên đại Việt Nam được anh gìn giữ cẩn thận.
Giữ gìn cho muôn đời sau
Tâm sự với chúng tôi, anh Thạo cho hay: “Nếu thực sự đam mê thì không thể đặt lợi ích kinh tế lên trên được. Đã có rất nhiều người có ý hỏi mua những bộ sưu tập của tôi với giá khá cao nhưng tôi không thể bán chúng, bởi đây không chỉ là tâm huyết mà còn có cả mồ hôi, nước mắt của tôi”.

Như để minh chứng, anh Thạo đã lần lượt chỉ cho chúng tôi xem những bộ tiền cổ mà anh đã cất công biên soạn hàng chục năm trời mới có được. Đầu tiên là cuốn Kho báu tiền cổ Đại Việt, do anh kết hợp với nhóm doanh nhân mỹ thuật Hà Nội, biên soạn năm 2006. Đây chính là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam nói về tiền cổ của các triều đại phong kiến VN. Tiếp đến là các giai đoạn lưu hành được chủ nhân phân chia rất cụ thể và đóng thành từng quyển, giúp cho người xem dễ dàng phân biệt được tiền thời Lý khác với tiền thời Trần ở điểm nào, thậm chí tiền của đời vua Trần Thánh Tông khác với tiền vua Trần Nhân Tông khác nhau ở điểm nào…được anh chú thích ngắn gọn nhưng rất dễ hiểu. Theo anh Thạo thì đây chính là công đoạn khó khăn nhất, hằng đêm thức đến 3, 4h để phân loại kì cọ, đánh bóng.
Nhưng có lẽ, điều trăn trở nhất của anh lúc này đó chính là tại sao cho đến nay, nước ta vẫn chưa có một bảo tàng về tiền cổ.  Bởi theo anh thì với 4.000 năm văn hiến, trải qua hàng chục triều đại phong kiến, từng ấy cũng đủ nói lên tầm vóc của dân tộc Việt. Việc xây dựng một bảo tàng về tiền cổ không chỉ mang tầm vóc về Văn hóa mà nó còn có ý nghĩa giáo dục rất cao. Đặc biệt với giới trẻ thì đây chính là nơi học tập hết sức bổ ích.
Nói về dự định tiếp theo của mình, anh Thạo bật mí, sắp tới anh sẽ tham gia trưng bày tiền cổ tại ngân hàng Nhà nước Việt Nam để chào đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây chắc chắn là nơi sẽ thu hút phần lớn những người muốn tìm hiểu về lịch sử của dân tộc. Đồng thời là cơ hội lớn để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam trong các thời kỳ phong kiến với các bạn bè quốc tế.

Nguyễn Bắc - Vũ Chiến
 
Nguồn: http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Hanh-trinh-20-nam-san-tien-co/20108/107233.datviet