Bên trong nhà máy in tiền của Mỹ

Khác với yêu cầu tối mật ở nhiều quốc gia, nhà máy in tiền của Mỹ thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan.

Nhà máy in tiền Mỹ (U.S. Bureau of Engraving and Printing - BEP) được đặt tại đường số 14 và đường C, phía tây nam Thủ đô Washington, D.C.
Là nhà máy in tiền quốc gia, BEP chịu trách nhiệm thiết kế và in tất cả các loại tiền giấy của Mỹ.
Bên cạnh đó, nhờ sở hữu công nghệ in hàng đầu trên thế giới, BEP cũng sản xuất nhiều phần của hộ chiếu, vật liệu làm thẻ an ninh nội địa, thẻ nhận dạng trong quân đội, giấy chứng nhận nhập cư, nhập tịch, giấy mời của Nhà Trắng, trái phiếu kho bạc và các loại trái phiếu Mỹ khác.
Nhà máy in tiền mở cửa cho tham quan từ 9h tới 14h từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ). Riêng từ tháng 4 đến tháng 8, nhà máy sẽ cho tham quan thêm trong khoảng thời gian 5–7h chiều.
Cứ 15 phút sẽ có một tour vào tham quan, mỗi tour kéo dài 30 phút và khách tham quan sẽ không phải mua vé. Tour tham quan bắt đầu từ cổng sau của nhà máy.
Đến nhà máy in tiền, khách tham quan sẽ có cơ hội ngắm nhìn chu trình in ấn từng mảng lớn, chất đống, cắt nhỏ… của những đồng đôla Mỹ quen thuộc trong giao dịch quốc tế.
Bên cạnh đó, mọi câu hỏi, thắc mắc của họ liên quan tới quá trình in tiền đều có thể được giải đáp cặn kẽ.
Quá trình in tiền trải qua nhiều công đoạn. Mỗi bản in tiền đều gồm hàng loạt các chi tiết phức tạp để gây khó khăn cho việc làm giả.
Các tờ tiền sẽ bắt đầu được in từ mặt sau.

Tuyến Nguyễn (tổng hợp)

Mỹ chia rẽ về đề án xóa sổ tiền giấy 1 USD

Cơ quan Kiểm toán Mỹ (GAO) đang đề xuất thay toàn bộ tiền giấy mệnh giá 1 USD bằng tiền xu với mong muốn tiết kiệm cho đất nước 4,4 tỷ USD trong 30 năm tới.

Trong bản báo cáo chuẩn bị trình lên Nghị viện Mỹ vào tuần này, ông Lorelei St. James, một giám đốc của GAO khẳng định: "Chúng tôi tin rằng việc thay tiền giấy bằng tiền xu sẽ mang lại lợi ích về tài chính cho chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết là thay tờ 1 USD bằng xu 1 USD sẽ gây ra rất nhiều tranh cãi". Theo nghiên cứu của GAO, tiền 1 USD giấy có tuổi thọ trung bình 4,7 năm trong khi tuổi thọ tiền xu lên tới 30 năm.
Ý tưởng này không được nhiều người Mỹ ủng hộ. Năm 2011, 40% USD xu trong lưu thông đã bị trả về Bộ Tài chính Mỹ. Thời điểm đó, các kho của chính phủ đã phải chứa tới 1,4 tỷ đồng xu, tương đương 1,4 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu trong cả một thập kỷ. Bộ Tài chính Mỹ dự đoán với tốc độ này, đến hết năm 2016, số xu trong kho sẽ lên tới 2 tỷ USD.
Tiền xu có thể giúp Mỹ tiết kiệm 4,4 tỷ USD trong 30 năm tới. Ảnh:Coin Update
Tiền xu có thể giúp Mỹ tiết kiệm 4,4 tỷ USD trong 30 năm tới. Ảnh: Coin Update
Nghị viện Mỹ vẫn đang chia rẽ về vấn đề này. Hai người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho ý tưởng xóa sổ tiền giấy là thượng nghị sĩ John McCain (bang Arizona) và Tom Harkin (bang Iowa). Iowa là quê hương của các công ty sản xuất kim loại khổng lồ, còn Arizona là mỏ đồng lớn nhất nước Mỹ.
Harkin cho rằng Mỹ nên theo xu hướng toàn cầu. Ông giải thích: "Vấn đề quan trọng nhất là tiền xu sẽ tiết kiệm hơn tiền giấy. Canada có xu tương đương 2 USD, Thụy Sĩ thậm chí còn có xu 5 USD. Còn chúng ta lại chỉ có xu 25 cent".
Tháng 12/2011, Bộ Tài chính Mỹ đã ngừng sản xuất xu USD sau khi Cơ quan sản xuất tiền xu nước này dự đoán họ đã có đủ xu 1 USD cho 10 năm tới. Bộ Tài chính Mỹ kỳ vọng việc thay thế sẽ giúp nước này tiết kiệm tối thiểu 50 triệu USD hàng năm.
Theo Hội đồng thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), sản xuất một đồng xu tốn 5,2 cent, cao hơn tiền giấy. Tuy nhiên, nó có thể tồn tại trong lưu thông với thời gian lâu gấp 10 lần.
Rất nhiều người Mỹ không thích tiền USD xu, đặc biệt là các doanh nhân, do sự bất tiện khi giao dịch. Một số tổ chức như Công dân tẩy chay tiền xu và Kinh doanh không tiền xu còn được thành lập để yêu cầu chấm dứt việc sản xuất loại tiền này.
Cuộc khảo sát gần đây trên tờ Huffingtonpost cho thấy tỷ lệ người ủng hộ tiền xu nếu việc này có thể giúp Mỹ tiết kiệm ngân sách là 59,46%. Còn trên Wall Street Journal, con số này cao hơn với 61,1%.
Thùy Linh

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/quoc-te/2012/11/my-chia-re-ve-de-an-xoa-so-tien-giay-1-usd/

“Khai tử” tiền giấy 10.000 và 20.000 đồng

Ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thông báo số 293/TB-NHNN công bố về việc đình chỉ lưu hành tiền cotton loại 10.000 đồng và 20.000 đồng.

Loại tiền cotton mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng sẽ hết giá trị lưu hành từ 1/1/2013
Loại tiền cotton mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng sẽ hết giá trị lưu hành từ 1/1/2013
 
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2013, đồng tiền cotton loại 10.000 đồng và 20.000 đồng hết giá trị lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.
Kể từ thời điểm đình chỉ lưu hành (1/1/2013), các tổ chức và cá nhân có các loại tiền này được đổi ngang giá trị sang các loại tiền đang lưu hành do NHNN phát hành tại Sở Giao dịch NHNN, chi nhánh NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước tại các tỉnh, thành phố.
H.K

Nguồn: http://dantri.com.vn/su-kien/khai-tu-tien-giay-10000-va-20000-dong-646047.htm

Những bí mật đổi tiền trên thế giới

Hy Lạp đang đứng trước khả năng rời bỏ đồng euro. Tuy nhiên, chuyện đổi tiền ở quốc gia Nam Âu này, cũng như trên toàn thế giới, không đơn giản là việc người dân mang tiền cũ ra ngân hàng để đổi sang tiền mới.

Triển vọng về việc Hy Lạp từ bỏ đồng euro đang ngày một rõ ràng và rất có thể sẽ được khẳng định sau cuộc bầu cử ngày 17/6 tại nước này. Trong trường hợp đó, việc người Hy Lạp phải đi tìm đồng tiền mới cho mình gần như là điều chắc chắn, bởi ý tưởng quay lại với đồng drachma (đơn vị tiền tệ của Hy Lạp trước khi giai nhập eurozone) không được nhiều người ủng hộ.
Người có thể giúp chính phủ mới của Hy Lạp khi đổi tiền có lẽ sẽ là Warren Coats – chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với hơn 20 năm kinh nghiệm giúp nhiều quốc gia như Kyrgyzstan. Kazakhstan, Iraq, Afghanistan hay Nam Sudan “khai sinh” các đồng tiền. Trao đổi với BBC, chuyên gia này cho biết quy trình thông thường bao gồm 3 bước.
Thiết kế và in ấn
“Quyết định chân dung của ai, hình ảnh nào sẽ có mặt trên đồng tiền quốc gia tưởng như là điều dễ dàng. Tuy nhiên, đôi khi nó mang lại không ít rắc rối về chính trị”, Warren Coats chia sẻ. Bosnia-Hercegovina là một trong những ví dụ điển hình cho mâu thuẫn này.
Thiết kế và in ấn chỉ là khởi đầu cho toàn bộ quá trình.
Thiết kế và in ấn chỉ là khởi đầu cho toàn bộ quá trình khai sinh đồng tiền mới. Ảnh: Xinhua
Sau khi giành được độc lập vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, quốc gia Nam Âu phải tái thiết nhiều thứ trong đó có đồng tiền của riêng mình. Tuy nhiên, 3 nhóm sắc tộc là người Bosniak, Croat và Serb không thể tìm được tiếng nói chung trong việc lựa chọn hình ảnh ai sẽ xuất hiện trên đồng tiền, cho dù các gợi ý được đưa ra chỉ bao gồm những nhà văn hay nghệ sĩ nổi tiếng trong lịch sử.
“Họ thường xuyên rơi vào tình trạng có 2 nhóm đồng ý, nhưng nhóm còn lại phản đối. Chuyện này kéo dài suốt nhiều tháng và cuối cùng chẳng đi đến một thỏa thuận nào cả”, chuyên gia của IMF kể lại. Cuối cùng, chính một đại diện được IMF chỉ định vào vị trí Thống đốc Ngân hàng trung ương tạm quyền tài nước này – ông Peter Nicholl (người New Zealand) phải nhận trách nhiệm chọn nhân vật được in trên tiền.
Với trường hợp của Hy Lạp hiện nay, Warren Coats cho rằng lựa chọn hình ảnh đại diện không đến nỗi phức tạp như vậy, nhưng chọn mệnh giá, giá trị cho đồng tiền lại là chuyện tương đối “đau đầu”. Thông thường các chuyên gia cho biết mệnh giá đồng tiền xu lớn nhất thường tương đương khoảng 2% thu nhập trung bình ngày của người dân. Và giá trị tờ bạc nhỏ nhất bằng khoảng 5% mức này.
Chi phí in tiền cho Hy Lạp khoảng 50 - 60 triệu USD. Ảnh: AFP
Chi phí in tiền cho Hy Lạp khoảng 50 - 60 triệu USD. Ảnh: AFP
Một khi mẫu và các mệnh giá đã được chọn, công việc in ấn thường được tiến hành. Nhưng trên thế giới chỉ có một vài hãng có thể đáp ứng nhu cầu phát hành tiền mới cho một quốc gia. Không phải lúc nào các doanh nghiệp này cũng “rảnh”, và trong trường hợp họ chưa thể đáp ứng tại thời điểm yêu cầu, các Chính phủ cũng phải chấp nhận đợi. Với một nước có quy mô dân số và kinh tế như Hy Lạp, chi phí in ấn dự kiến khoảng 50 - 60 triệu USD cho một lần phát hành tiền.
Do vậy, các nhà phân tích cho rằng cho dù quyết định được đưa ra, Hy Lạp cũng không thể khai sinh đồng tiền mới của mình trong năm nay. “Nếu muốn phát hành trong năm 2012, việc in ấn có lẽ đã phải bắt đầu từ lúc này. Tuy nhiên, hiện chẳng có dấu hiệu nào cho thấy điều này”, Paul Jones chuyên gia của Panmure Capital nhận định.
Chuẩn bị chuyển đổi đồng tiền
Làm ra đồng tiền mới chỉ là khởi đầu cho quá trình chuyển đổi. Giới chức Hy Lạp sẽ phải rất vất vả trong việc đưa đồng tiền mới vào vận hành trơn tru trong hệ thống tài chính. Khó khăn lớn là việc không phải người Hy Lạp nào cũng muốn chuyển sang sử dụng đồng tiền mới. Do vây, Chính phủ sẽ phải sử dụng nhiều biện pháp để ngăn một lượng lớn đồng euro đọng lại (do người dân không chuyển đổi) hoặc được mang ra nước ngoài.
Đây sẽ là một quá trình lâu dài, tốn kém với những chiến dịch truyền thông quy mô, giúp người Hy Lạp hiểu được chính xác đồng tiền mới sẽ hoạt động ra sao. Đó cũng là vấn đề thời gian khi các ngân hàng và doanh nghiệp cần phải hoàn tất việc chấp nhận đồng tiền mới trong hệ thống thanh toán cũng như sẵn sàng lượng tiền mặt tại ngày phát hành.
Các vấn đề pháp lý
Nhiều người Hy Lạp không muốn có đồng tiền mới. Ảnh:
Nhiều người Hy Lạp không muốn có đồng tiền mới. Ảnh: Telegraph
Tờ bạc hay đồng xu thực chất chỉ là một mẩu giấy hay kim loại nhỏ nếu không được quy định bằng pháp luật. Do vây, giới chức Hy Lạp sẽ phải soạn lại luật, thông qua nó ở Quốc hội. Bản thân doanh nghiệp cũng sẽ phải thận trọng hơn trong các bản hợp đồng, rà soát lại những thỏa thuận cũ để biết liệu những quy định về đồng tiền cũ có cần phải thay đổi.
Những yếu tố này sẽ khiến quá trình chuyển đổi tiền tệ ở Hy Lạp cũng như bất cứ quốc gia nào trở nên lâu dài và tốn kém. Tuy vậy, theo chuyên gia Warren Coats, vấn đề chủ yếu vẫn nằm ở lòng tin: “Nhiều người Hy Lạp thực tế không muốn sử dụng đồng tiền mới chẳng qua vì họ không tin vào việc Chính phủ và Ngân hàng trung ương có thể quản lý nó tốt hơn so với đồng euro”, ông này nhận định.
Gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 2001, Hy Lạp đã thu được nhiều lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, việc gia tăng mạnh đầu tư công, đặc biệt cho Olympic 2004 đã khiến nước này lâm vào cảnh nợ nần. Tình trạng tài chính của Athens càng trầm trọng hơn trong những năm gần đây do tác động của khủng hoảng kinh tế, khiến nước này gần như đã phát sản. Hy Lạp nhận được cam kết hỗ trợ từ các nước châu Âu và quốc tế nhưng phải đổi lại bằng những chính sách kinh tế ngặt nghèo.
Điều này đã làm dấy lên làn sóng đòi tách khỏi eurozone tại Hy Lạp và quyết định cuối cùng dự kiến được đưa ra sau cuộc bầu cử ngày 17/6. Trước khi sử dụng đồng euro năm 2001, đơn vị tiền tệ của Hy Lạp là đồng drachma (một euro đổi được 340,7 drachma tại thời điểm đó). Đồng tiền này đã được sử dụng tại Hy Lạp kể từ năm 1832.
Nhật Minh

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/quoc-te/2012/06/nhung-bi-mat-doi-tien-tren-the-gioi/

Giá trị mỹ thuật của... đồng tiền!

Giá trị của các đồng xu cổ xét về phương diện sưu tập phụ thuộc vào hiện trạng của đồng xu, ý nghĩa lịch sử khi nó ra đời, độ hiếm, chất lượng và (tất nhiên) là cả vẻ đẹp của mẫu thiết kế trên đồng xu.

Một đồng xu trước khi ra đời đã được “chuẩn hoá” về khối lượng và thiết kế rồi mới được đem sản xuất với số lượng lớn để tham gia vào các giao dịch thương mại.
Dưới đây là những đồng xu cổ hiếm có và có giá trị lớn đối với các nhà sưu tập. Hãy nhìn vào thiết kế để thấy hết giá trị mỹ thuật của từng đồng xu.
Flowing Hair Dollar (Đồng Tóc bay)
Giá trị mỹ thuật của... đồng tiền!
Đây là đồng xu đầu tiên được chính quyền Liên bang Mĩ tung ra sau khi tuyên bố 13 bang của Mĩ chính thức ly khai khỏi Vương quốc Anh. Đồng xu này được đúc và tung ra thị trường trong hai năm 1794 và 1795. Kích cỡ và khối lượng của nó lấy theo khuôn mẫu là đồng xu Tây Ban Nha - đồng bạc được sử dụng phổ biến nhất trong các giao dịch thương mại trên đất Mĩ lúc đó.
Tháng 10/1795, đồng Flowing Hair Dollar không còn được đúc nữa mà thay bằng đồng Draped Bust Dollar. Vì ý nghĩa lịch sử và số lượng ít ỏi của những đồng Flowing Hair mà tháng 5/2005, một đồng Flowing Hair Dollar được sản xuất năm 1794 đã được mua với giá 7,85 triệu đô la, mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử đấu giá tiền xu. Flowing Hair hiện giờ vẫn là đồng xu hiếm nhất và đắt nhất thế giới.
Một mặt của đồng xu được là hình Nữ thần Colombia - Nữ thần bảo hộ của nước Mĩ và một mặt là con đại bàng Bald Eagle với chỏm lông trắng trên đầu - loài chim đặc trưng, chỉ xuất hiện ở vùng Bắc Mĩ. Những cành ô-liu tượng trưng cho chiến thắng bao bọc lấy thân hình con đại bàng cho thấy tinh thần tự tôn của dân tộc Mĩ. Có thể nói trong đồng xu đầu tiên được chính quyền liên bang Mĩ thiết kế này đã tập trung tất cả những gì nghiêm trang, cao quý nhất của đất Mĩ.
Một dân tộc được bảo hộ bởi thần thánh, một loài chim tượng trưng cho sức mạnh, tốc độ, sự tinh tường, thống trị cả bầu trời là loài vật mang tinh thần của người dân Mĩ. Một dân tộc như vậy nhất định phải dành chiến thắng (cành ô-liu). Đó chính là ý nghĩa xâu xa của mẫu đồng xu thiết kế cầu kỳ và tinh xảo này. Từng cánh lá nhỏ trong cành ô-liu đều được thể hiện mềm mại, mái tóc tung bay của nữ thần Colombia và đôi cánh như sắp bay lên của con đại bang khiến đồng xu thực sự là một tác phẩm nghệ thuật.
1933 Double Eagle (Đồng Đại bàng đúc năm 1933)
Giá trị mỹ thuật của... đồng tiền!
Đồng xu này đắt thứ hai thế giới một phần vì độ hiếm của nó và một phần vì chất liệu của nó. Đồng vàng này có giá trị tương đương với một tờ 20 đô la Mĩ lúc bấy giờ.
Một đồng Double Eagle hiếm hoi từng được mua với giá 7,59 triệu đô la. Năm 1933 có tất cả 445.500 đồng vàng thế này được đúc ra và đó cũng là năm duy nhất đồng Double Eagle được sản xuất. Dù đã được xuất xưởng nhưng thực sự chưa mấy người được thấy nó lưu hành trên thị trường. Có lẽ vì nó được sản xuất từ vàng ròng nên đã được bí mật thu hồi lại để đưa vào dự trữ vàng quốc gia, giả thiết này có thể lý giải tại sao việc lưu hành của đồng xu này trên thị trường lại kỳ lạ như vậy. Ý tưởng của đồng Đại bàng là biểu tượng cho cuộc chiến kinh tế trên thị trường tương tác toàn cầu đầu thế kỷ 20.
Đồng vàng này một mặt khắc hoạ nữ thần Tự Do một tay giơ cao bó đuốc sáng ngời dẫn lỗi cho con người tìm tới ánh sáng tự do, một tay cầm nhánh ô-liu biểu tượng cho người chiến thắng. Mặt bên kia vẫn là hình ảnh biểu trưng quen thuộc của con đại bàng Bald Eagle trong tư thế đang bay. Nhưng ở đồng xu này, con đại bàng thậm chí còn bay cao hơn mặt trời. Nhữn tia sáng của ánh mặt trời hắt lên thân hình con chim kiêu hãnh đang sải cánh. Dòng chữ IN GOD WE TRUST (Chúng con tin vào Chúa) tạo thành hình vòng khung biểu trưng cho mặt trời, niềm tin của người dân Mĩ vào Chúa chính là ánh sáng dẫn dắt họ tới vinh quang. Quả thực, bộ Hiến pháp đầu tiên được chính quyền Liên bang Mĩ tạo ra cũng dựa trên tinh thần của Kinh thánh.
Có thể nói Mĩ là một trong những quốc gia sùng đạo. Trong những thiết kế tiền xu của Mĩ, ta thấy được sự tinh tế trong ý tưởng, sự xúc tích trong diễn đạt và sự tinh xảo trong chế tác. Ở đồng xu này, bộ quần áo của Nữ thần Tự Do như đang bay phấp phới, để lộ đôi chân như đang dấn bước leo lên một đỉnh núi cao hơn, đôi cánh đại bàng thực sự như đang có gió lùa qua với từng chi tiết trên đôi cánh được khắc hoạ thật mềm dẻo và khéo léo, từng tia sáng hắt ra từ phía mặt trời cho tới dòng chữ được khắc nhỏ xíu trên đồng xu. Tất cả những điều đó cho ta thấy nghệ thuật chế tác tiền xu tinh xảo của một đất nước vừa mới giành được độc lập và mới bắt đầu có kinh nghiệm sản xuất đồng tiền của riêng mình.
Đồng Edward Đệ Tam
Giá trị mỹ thuật của... đồng tiền!
Đồng vàng florin của Anh này rất hiếm vì nó được đúc từ thời trung cổ, đã từng được mua với giá 460.000 bảng anh tương dương 6,8 triệu đô la. Đồng vàng này được đúc từ tháng 12/1343 đến tháng 7/1344 thì dừng lại không đúc thêm nữa. Đồng vàng này còn có tên gọi là đồng con báo, thời bấy giờ nó có giá trị tương ứng với 6 si-ling.
Một mặt đồng xu là hình nhà vua lên ngôi dưới một tấm trướng, mặt bên kia là hình đầu hai con báo – loài vật biểu trưng cho nước Anh và xuất hiện trong quốc huy của Anh. Nh à vua cầm trên tay cây thập tự Hoàng gia. Hình ảnh này rất đa nghĩa, nó không chỉ khiến người ta hình dung ra nhà vua mà còn hình dung ra cả Chúa. Thật sự thiết kế của đồng Edward III mang ý nghĩa tôn giáo với thiết kế hết sức cầu kỳ và tinh xảo, thể hiện nền văn hoá lâu đời và giàu có của một Vương quốc hưng thịnh hàng đầu Châu Âu.
Silver Dollar (Đồng bạc Mĩ đúc năm 1804)
Giá trị mỹ thuật của... đồng tiền!
Đồng bạc này được mua năm 2001 bởi một nhà sưu tập tiền xu với giá 4,14 triệu đô la. Đồng bạc Mĩ này rất hiếm và nổi tiếng vì nó có quá nhiều “hàng nhái”.
Đồng bạc này tới nay có tất cả 17 mẫu nhái được chia ra thành 3 cấp khác nhau. 10 mẫu nhái cấp 1 đúc khoảng năm 1834, một dạng tiền giả đương thời. 1 mẫu loại 2 và 6 mẫu loại 3 được đúc trong khoảng thời gian từ 1858 đến 1860.
Một mặt của đồng xu khắc hoạ Nữ thần Tự Do với mái tóc bồng bềnh và một mặt là quốc huy của Mĩ hiện tại với ý nghĩa vô cùng đa chiều: Vẫn là con đại bang quen thuộc nhưng lần này trên đầu nó có 13 ngôi sao tượng trưng cho 13 bang đầu tiên tạo nên nước Mĩ, trên ngực là tấm khiên có 13 sọc, hai bên móng vuốt nắm chặt 13 mũi tên và cành ô-liu có 13 chiếc lá. Trên mỏ con đại bàng ngậm dòng chữ Latin “E pluribus unum” nghĩa là “Từ nhiều thành một” ám chỉ nước Mĩ như một bát salad rau củ, tuy có nhiều nhóm cộng đồng với sắc tộc, màu da, tôn giáo… khác nhau nhưng khi trộn lại sẽ tạo thành một nước Mĩ hoà hợp, thống nhất, một khối đoàn kết không rời có sức mạnh vô địch tạo ra từ sự đa dạng chủng tộc, và trong cái chung vẫn có cái riêng giống như vị của mỗi loại rau củ trong bát salad chẳng thể nào bị lẫn hoặc quên đi. Một lần nữa, thiết kế đồng xu của Mĩ lại khiến những nhà sưu tập phải thán phục vì sự đa tầng ý nghĩa, chỉ một đồng xu con con mà diễn đạt đủ cả thông điệp của một dân tộc. Nó quả xứng đáng trở thành một trong những đồng xu được săn lùng nhất thế giới.
Đồng Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị
Giá trị mỹ thuật của... đồng tiền!
Đây là đồng vàng lớn nhất thế giới (nặng tới 100 cân) được đúc bởi Xưởng đúc tiền Hoàng gia Canada với những chiếc lá của cây gỗ thích ở một mặt (biểu trưng của Canada) và mặt kia là Nữ hoàng Elizabeth II. Nó đã được mua trong buổi đấu giá tại Áo với giá 4 triệu đô la. Vàng để tạo ra đồng xu là vàng 99,999 - loại vàng nguyên chất nhất hiện có trên thị trường. Đồng xu này được đúc ra với mục đích vinh danh nữ hoàng và có giá trị được khắc trên mặt đồng xu tương đương với 1 triệu đô la.
Hồ Bích Ngọc
Theo List
Nguồn: http://dantri.com.vn/van-hoa/gia-tri-my-thuat-cua-dong-tien-629984.htm

Phơi acid free và phơi không acid free


Hỏi:
Xin cho biết sự khác biệt giữa loại phơi acid free và loại phơi không acid free. Nên sử dụng loại phơi nào để bảo quản tiền ?
Trả lời:
Khi bảo quản tiền, đặc biệt là tiền giấy chúng ta cần dùng phơi. Phơi không acid free là loại phơi có chứa PVC. Khi để tiền lâu trong phơi này và cộng với thời tiết nóng ẩm thì axit (acid) trong phơi sẽ chảy ra và thấm vào tờ tiền làm tờ tiền bị ố, đồng thời các phản ứng hóa học của axit với môi trường sẽ làm hỏng tờ tiền như bị mủn, nhăn nheo (do sự biến dạng của phơi). Chính vì các tác hại này người ta đã làm ra loại phơi acid free (không có axit) giúp tờ tiền đựng trong phơi được bảo vệ an toàn và lâu bền.
Dưới đây là hình ảnh minh họa tờ tiền chất lượng tốt sau khi để trong phơi có axit một thời gian:
 
Nguồn ảnh: 9PN

 
Như các bạn thấy, tờ tiền bị ố và bị nhăn nheo, đồng thời bị mất lớp màu do dính lên phơi.
Như vậy loại phơi acid free sẽ tốt hơn nhưng đắt hơn loại phơi không acid free, chính vì vậy tùy vào chất lượng và giá trị tờ tiền của bạn để chọn mua loại phơi thích hợp. Nên hỏi rõ người bán để tránh mua lầm.
Tham khảo từ: Hồ Hải, 9PN (http://viet-numis.com/)

Hành trình 20 năm 'săn' tiền cổ

45 tuổi đời, anh Nguyễn Văn Thạo ở phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) đã có thâm niên 20 năm trong nghề “săn” tiền cổ. Anh đang sở hữu hàng trăm loại tiền thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam.

 
Hành trình 20 năm săn tiền cổ
Bước vào căn nhà của anh, chúng tôi hoa hết cả mắt bởi số lượng tiền cổ mà anh Thạo đã dày công sưu tập được. “Đây là khu trưng bày tiền thời Lê, còn đây là loại tiền của thời Nguyễn...", anh Thạo vừa chỉ cho khách xem từng loại tiền vừa nói rõ về nguồn gốc, đặc điểm của chúng. Từng hũ tiền được anh bày đặt  khá tươm tất theo các niên đại. Đầu tiên là thời Đinh, tiếp sau đó là thời Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, hậu Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, và cuối cùng là thời Nguyễn. Không chỉ có thế, trong bộ sưu tập tiền của anh còn có khá nhiều tiền giấy (tiền Đông Dương) từ những năm 1858 khi người Pháp đánh chiếm nước ta và những đồng tiền ngày nay. Tuy nhiên theo gia chủ, để có được bộ sưu tập tương đối đầy đủ này, anh đã phải trải qua một hành trình dài tìm hiểu, lặn lội tìm kiếm.

Anh Thạo và bộ tiền cổ Đông Dương.
Sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, một miền quê vốn đã nổi tiếng với các di chỉ về khảo cổ, ngay từ nhỏ, thú sưu tầm đã ngấm vào cậu bé Thạo lúc nào chẳng hay. Học lên lớp 5, Nguyễn Văn Thạo đã có một bộ sưu tập tương đối lớn về các loại bút. Cũng chính vì thế, cái danh “Thạo cổ vật” đã được bạn bè đặt cho khi anh vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lớn lên một chút, chàng trai Thạo lại có thú sưu tầm tem thư và phong bì. Cứ như thế, niềm đam mê sưu tầm ngày càng ngấm vào máu của anh hơn, rồi trở thành duyên nợ cho đến tận bây giờ.
Năm 1987, Nguyễn Văn Thạo xin vào làm tại công ty Xây dựng thủy lợi 1, với công việc lái máy xúc, máy cẩu. Một lần khi đang làm việc tại công trường, trong lúc đào bới, anh vô tình xúc được 1 hũ tiền nhưng tất cả đã rỉ sét dính chặt lại với nhau thành một khối. Lúc đầu, anh  định đem đi bán đồng nát nhưng sau 1 phút suy nghĩ, anh quyết định giữ lại với suy nghĩ biết đâu hũ tiền cổ đó có thể sử dụng được.
Cũng một lần đi bán phế liệu, anh lại nhìn thấy những hũ tiền cổ được những người thu mua đồng nát đập ra để bán làm sắt phế liệu. Anh đã mạnh dạn hỏi mua mặc cho những lời can ngăn của bạn bè và người thân. “Lúc đó tôi cứ thấy tiếc bởi hàng 100 kg tiền cổ mà người ta bán làm săt phế liệu nên mới mua, chứ thực sự chưa biết rõ giá trị của nó như thế nào”, anh Thạo tâm sự.
Có được một số lượng tương đối về tiền cổ rồi, nhưng làm thế nào có thể phân biệt được niên đại mà đồng tiền đó được lưu hành, quả thực là một quá trình gian nan. Từ một người không biết gì về tiếng Hán, nay phải đối mặt với những con chữ “loằng ngoằng” in trên những đồng tiền rỉ sét khiến anh không khỏi bận tâm. 10 năm trời dùi mài chữ Hán, cũng bằng đấy năm trời anh tỉ mẩn tìm đọc các tài liệu có liên quan đến tiền cổ với hy vọng khám phá được những bí ẩn mà bấy lâu nay mong đợi. Bằng lòng đam mê và quyết tâm đó đã giúp anh dần giải mã được những bí ẩn đã bị chôn vùi hàng ngàn năm dưới lòng đất. Anh chia sẻ “chính việc tìm hiểu này đã thôi thúc tôi nhiều hơn. Những đồng tiền cổ này không chỉ có giá trị về kinh tế nữa mà nó còn chứa đựng cả yếu tố chính trị, văn hóa, tâm linh của từng thời kỳ”.
Ngoài ra, anh Thạo còn có một bộ sưu tập tương đối đồ sộ về các loại tem phiếu thời kỳ bao cấp như các loại phiếu gạo, phiếu thịt, phiếu chăm sóc bà đẻ, phiếu dầu…. Tất cả được anh gìn giữ rất cẩn thận, bởi anh bảo đây chính là những kỉ vật còn quý hơn cả vàng và rất đáng trân trọng.

Những đồng tiền xu thuộc các niên đại Việt Nam được anh gìn giữ cẩn thận.
Giữ gìn cho muôn đời sau
Tâm sự với chúng tôi, anh Thạo cho hay: “Nếu thực sự đam mê thì không thể đặt lợi ích kinh tế lên trên được. Đã có rất nhiều người có ý hỏi mua những bộ sưu tập của tôi với giá khá cao nhưng tôi không thể bán chúng, bởi đây không chỉ là tâm huyết mà còn có cả mồ hôi, nước mắt của tôi”.

Như để minh chứng, anh Thạo đã lần lượt chỉ cho chúng tôi xem những bộ tiền cổ mà anh đã cất công biên soạn hàng chục năm trời mới có được. Đầu tiên là cuốn Kho báu tiền cổ Đại Việt, do anh kết hợp với nhóm doanh nhân mỹ thuật Hà Nội, biên soạn năm 2006. Đây chính là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam nói về tiền cổ của các triều đại phong kiến VN. Tiếp đến là các giai đoạn lưu hành được chủ nhân phân chia rất cụ thể và đóng thành từng quyển, giúp cho người xem dễ dàng phân biệt được tiền thời Lý khác với tiền thời Trần ở điểm nào, thậm chí tiền của đời vua Trần Thánh Tông khác với tiền vua Trần Nhân Tông khác nhau ở điểm nào…được anh chú thích ngắn gọn nhưng rất dễ hiểu. Theo anh Thạo thì đây chính là công đoạn khó khăn nhất, hằng đêm thức đến 3, 4h để phân loại kì cọ, đánh bóng.
Nhưng có lẽ, điều trăn trở nhất của anh lúc này đó chính là tại sao cho đến nay, nước ta vẫn chưa có một bảo tàng về tiền cổ.  Bởi theo anh thì với 4.000 năm văn hiến, trải qua hàng chục triều đại phong kiến, từng ấy cũng đủ nói lên tầm vóc của dân tộc Việt. Việc xây dựng một bảo tàng về tiền cổ không chỉ mang tầm vóc về Văn hóa mà nó còn có ý nghĩa giáo dục rất cao. Đặc biệt với giới trẻ thì đây chính là nơi học tập hết sức bổ ích.
Nói về dự định tiếp theo của mình, anh Thạo bật mí, sắp tới anh sẽ tham gia trưng bày tiền cổ tại ngân hàng Nhà nước Việt Nam để chào đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây chắc chắn là nơi sẽ thu hút phần lớn những người muốn tìm hiểu về lịch sử của dân tộc. Đồng thời là cơ hội lớn để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam trong các thời kỳ phong kiến với các bạn bè quốc tế.

Nguyễn Bắc - Vũ Chiến
 
Nguồn: http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Hanh-trinh-20-nam-san-tien-co/20108/107233.datviet